Vì sao cà chua vừa là 'thần dược' vừa là 'độc dược'?
Nhà máy dinh dưỡng thích hợp để bồi bổ và phòng chữa nhiều bệnh
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, cho biết theo y học cổ truyền, cà chua vị ngọt chua, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, chỉ khát, dưỡng âm và lương huyết, thích hợp để bồi bổ cho những người bị thiếu vitamin trong cơ thể, bị huyết áp cao, viêm gan mạn, tỳ vị hư nhược.
Những người tâm phiền, miệng khát, môi khô, hoa mắt chóng mặt, chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiêu hóa kém, loét dạ dày… ăn cà chua sẽ rất có lợi.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy thành phần trong quả cà chua chứa nước 90%, glucid 4%, protid 0,3%, lipid 0,3% và rất nhiều vitamin A, vitamin B1, B2, C, PP, E, K và axit nicotin.
Đặc biệt, trong quả cà chua còn chứa các chất khoáng như canxi, photpho, sắt, axit citric và axit malic, glucose và fructose, một ít sucrose và một keto-heptose. Trái cà chua chín và gần chín đều chứa các aminoacid chủ yếu, trừ tryptophan; quả chưa chín chứa narcotin.
Nghiên cứu dược lý cho thấy chất lycopen có nhiều trong thịt cà chua có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư đầu và cổ, có thể chống lại rất mạnh các bệnh thoái hóa thần kinh. Uống nước cà chua xay nhuyễn giúp trị các triệu chứng bệnh tiểu đường, giảm nguy cơ tim mạch...
Theo bác sĩ Đinh Minh Trí - Đại học Y Dược TP.HCM, ăn cà chua hằng ngày sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe:
Tốt cho mắt: Cà chua là nguồn cung cấp vitamin A và C tuyệt vời giúp ngăn ngừa bệnh quáng gà và tăng thị lực cho đôi mắt. Nghiên cứu gần đây cho thấy hàm lượng vitamin A cao của cà chua có thể ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng - căn bệnh nghiêm trọng có thể dẫn đến mù mắt.
Hơn nữa, cà chua có thể giảm nguy cơ đục thủy tinh thể. Trong cà chua còn có các chất chống oxy hóa như lycopene, lutein và zeaxanthin.
Phòng ngừa ung thư: Ăn nhiều cà chua có thể giúp chống lại ung thư tuyến tiền liệt. Cà chua cũng có thể giúp giảm nguy cơ một số bệnh ung thư khác như dạ dày, phổi, cổ tử cung, vòm họng, trực tràng, đại tràng, thực quản và ung thư buồng trứng nhờ các chất chống oxy hóa, đặc biệt là nhờ vào hàm lượng lycopene cao có trong cà chua.
Tác dụng phòng chống ung thư của cà chua hốt hơn nhiều khi nấu loại quả này với dầu ô liu.
Làm đẹp da: Cà chua chứa lycopene, một chất chống oxy hóa mạnh bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời và làm cho làn da của bạn ít nhạy cảm với tia cực tím, một trong những nguyên nhân gây ra nếp nhăn ở da.
Chà bột cà chua lên làn da thô ráp của bạn giúp se lỗ chân lông, tái tạo và làm săn da mặt.
Chống tiểu đường: Cà chua chứa rất ít carbohydrate nên giúp làm giảm lượng đường trong máu. Một vài nghiên cứu tìm thấy vai trò của các chất chống oxy hóa trong cà chua bảo vệ thành mạch và thận - những cơ quan hay bị tổn thương do bệnh tiểu đường.
Tránh loãng xương: Cà chua có chứa vitamin K và canxi giúp giữ cho xương của bạn khỏe mạnh và chống loãng xương - nguyên nhân của gãy rạn, biến dạng xương dẫn đến khuyết tật.
Ngừa tim mạch và đột quỵ: Lycopene là chất chống oxy hóa có thể bảo vệ các tế bào trong cơ thể khỏi quá trình oxy hóa. Nghiên cứu "So sánh bằng chứng lâm sàng về việc tiêu thụ cà chua và bổ sung lycopene phòng nguy cơ tim mạch" cho thấy những người ăn thực phẩm chứa lycopene có nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và đột quỵ thấp hơn.
Đối với một người bình thường có thể dùng 200g cà chua/ngày. Có thể rửa sạch, ăn sống hoặc xay sinh tố dùng hằng ngày, với lượng cà chua này có thể đáp ứng đủ nhu cầu về vitamin A, C, sắt và kali của cơ thể trong một ngày.
Dùng sai hại cơ thể
Bác sĩ Nguyễn Xuân Thái, Viện Y học phóng xạ và ung bướu quân đội, nhấn mạnh trái cà chua đỏ hồng, chín mọng, có thành phần dinh dưỡng cao nhưng nhiều người ăn vào lại hại.
Xuất hiện chứng ợ nóng: Cà chua rất chua và có thể gây ợ nóng ở những người có vấn đề về dạ dày như viêm dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản. Ngay cả khi bạn khỏe mạnh thì việc ăn quá nhiều cà chua hoặc nước xốt cà chua đều có thể gây trào ngược axit.
Gặp vấn đề về thận: Cà chua dẫn đến sự tích tụ canxi trong cơ thể. Thêm vào đó, cà chua cũng rất giàu oxalate - một chất không được chuyển hóa dễ dàng khi tiêu thụ quá mức và nó có thể dẫn đến sỏi thận.
Bên cạnh đó, cà chua cũng rất giàu kali, có thể làm suy giảm chức năng thận. Nếu bạn đã gặp các vấn đề về thận, hãy lưu ý khi ăn cà chua.
Gặp vấn đề về tiêu hóa: Nếu bạn bị hội chứng ruột kích thích, cà chua thực sự có thể kích hoạt các triệu chứng. Chúng bao gồm tiêu chảy, chuột rút, đầy hơi và táo bón. Tính axit trong cà chua cũng có thể gây kích thích bàng quang.
Nếu bạn bị tiểu không tự chủ hoặc gặp các vấn đề về tiết niệu, tốt nhất nên tránh hoặc cắt giảm các loại thực phẩm này.
Đau khớp: Ăn quá nhiều cà chua có thể gây đau khớp. Đó là bởi vì cà chua có một loại chất kiềm gọi là solanine, chất này tích tụ canxi trong các mô. Tích tụ quá nhiều có thể gây viêm, đau và sưng ở khớp.
Bác sĩ Đinh Minh Trí cũng khuyên:
Không nên ăn cà chua và dưa chuột cùng một lúc, bởi dưa chuột chứa một loại enzyme catabolic, sẽ phá hủy hàm lượng vitamin C có trong cà chua. Ăn cà chua cùng dưa chuột sẽ làm giảm đi sự hấp thụ vitamin C vào cơ thể.
Không nên ăn hạt cà chua vì hạt cà chua không tiêu hóa được, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Không nên ăn cà chua khi đói, bởi chất pectin và nhựa phenolic trong cà chua có thể phản ứng với axit, gây nên tình trạng nôn mửa, đau bụng. Đặc biệt, với nhiều người muốn giảm béo cần cân nhắc kỹ, không nên ăn cà chua khi đói.
- Không nên hầm, nấu cà chua trong thời gian dài, bởi khi sử dụng cà chua đã bị nấu chín kỹ sẽ bị mất đi hương vị và vitamin. Cà chua để quá lâu cũng có thể dẫn tới bị vi sinh vật thâm nhập, làm hỏng và gây ngộ độc thực phẩm.